Thứ Năm, 11 tháng 10, 2007

Tết Nguyên Đán và Phật lịch liên hệ với nhau như thế nào ?

Nhân ngày Tết Nguyên đán, mọi gia đình Á đông sẽ làm lễ Phậtvà vui Tết. Ta thử tìm hiểu niênlịch dùng trong sinh hoạt Phật giáo nguồn gốc ở đâu, thuộc về hệ thống nào, và ngày Tết có phải là một ngày lễ Phật chăng ?

Vậy ta có thể xác quyết là không thể có một niên lịch, hay là nói rộng hơn, là một hệ thống tính thời gian riêng biệt của đạo Phật. Tìm hiểu niên biểu Phật giáo tức là đi tìm các thông lệ đã được áp dụng trong các cộng đồng Tăng già ngày xưa về cách thức để áp dụng thời biểu trong năm để tu hành và tế lễ. Bài này sẽ không bàn đến các ý niệm triết lý, siêu hình và hướng linh về thời gian và không gian trong giáo lý nhà Phật.

Văn minh Ấn Độ trước thời đức Phật gọi là văn minh Vệ Đà của giống người Arya từ Trung bộ châu Âu tràn xuống đồng bằng sông Indus và sông Ganga ; tôn giáo Ấn Độ trước là đạo Bà la môn. Văn minh Vệ Đà và tôn giáo Bà la môn dựa trên bốn bộ kinh Vệ Đà căn bản, mà quan trọng nhất là bộ Kinh Rig Veda. Rig Veda gồm có, theo lý thuyết, 1028 bài ca tán tụng sức mạnh của tạo vật như mặt trời, mưa, gió, sấm sét..., biến các sức mạnh thiên nhiên này thành ra thần linh, và cầu xin thần linh ban phúc cho giống người Arya đang theo đạo Bà-la-môn. Đọc kỹ các bài ca chúc tụng này, ta tìm lại rõ các nét chính trong tư tưởng, phong tục và tập quán của giống người Arya này.

Phu nhân Rhys Davids (vợ chồng giáo sư Rhys Davids được nhìn nhận đã đóng góp rất nhiều trong công trình khảo cứu văn minh Ấn Độ và đạo Phật) đã phân tích kỹ quan niệm về niên lịch của người Arya Ấn Độ. Thời gian được tính bằng ba đơn vị : năm, tháng và ngày. Trong Rig Veda quyển I đã thấy ghi rõ cách tính ngày tháng. Mỗi năm (sam vachara) gồm có 12 tháng (masa), mỗi tháng có 60 đơn vị [ban ngày kể là một đơn vị ; đêm kể là một đơn vị (ratinvida) ; hai đơn vị góp lại thành một ngày]. Mỗi năm còn chia ra mùa (utu), và vì thời gian tính theo hai hệ thống mặt trời (dương lịch) và mặt trăng (âm lịch) bị so le, không theo sát nhau được, nên đã tính phải có một tháng "nhuận", gọi là "tháng sinh sau" trong hệ thống âm.

Thời đó, giai cấp Bà la môn ngự trị đời sống tinh thần và vật chất của dân chúng. Niên lịch liên hệ tới việc cúng tế không để tiết lộ ra khỏi giai cấp giáo sĩ. Tuy vậy, vì niên lịch Vệ Đà cũng đem dùng trong dân gian, nên nhà Phật chắc chắn đã dựa theo đó mà thiết kế mọi sinh hoạt trong cộng đồng Tăng già.

Trong số kinh điển khổng lồ của đạo Phật (chỉ nói tới văn hệ Pali), bà Rhys Davids không tìm được phần nào đặc biệt chuyên chú về niên lịch, và chỉ rút ra được đây đó vài đoạn nói về niên biểu, đem chắp lại để tìm hiểu ý niệm thời gian trong đạo Thích Ca. Để chứng minh là đức Phật đã áp dụng và có sửa đổi quan niệm niên lịch Vệ Đà, bà Rhys Davids dẫn hai sự kiện. Thứ nhất là một vị đệ tử thân cận của đức Phật, Kumara Kassapa, trong Trường Bộ kinh (Dighanikaya), đã thuật lại là đức Phật chấp nhận cách phân chia thời gian áp dụng và giảng giải trong kinh Rig Veda. Thứ hai là trong Tăng Chi bộ kinh (Anguttaranikaya), bộ kinh quan trọng hàng thứ tư trong năm bộ kinh lớn của văn hệ Pàli, cũng có nhắc lại cách giải thích niên lịch của đức Phật, không những tính theo mặt trời, mặt trăng mà còn theo các hành tinh. Nét nhận xét được rõ là niên lịch Phật giáo có khuynh hướng theo Âm lịch nặng hơn, chứng cớ là đức Phật đã dùng thêm ngày trăng tròn (addhamassa) giữa tháng, cắt tháng ra làm hai đoạn, và như vậy đơn vị thời gian từ ngắn đến dài sẽ là : ngày, nửa tháng, mùa, năm.

Vào thời kỳ nguyên thủy, đạo Phật chú trọng nhất là việc tổ chức đời sống Tăng già, và mục đích thiết thực của niên lịch là để lập thời khóa biểu áp dụng cho Tăng chúng trong cộng đồng. Ngày chia làm hai đơn vị : sáng và đêm (ratindival), cốt để định thời khắc hai bữa ăn của người tu sĩ. Nhưng theo quy ước chung áp dụng ngoài đời, hai đơn vị sáng và đêm phải nhập làm một để gọi là ngày. Phân tích hơn nữa, ngày sáng chia làm ba đoạn (ta cứ gọi là khắc), và đêm tối chia làm ba canh (yama). Khi trời âm u thì lấy sao Kim tinh là chuẩn hiệu. Đêm bắt đầu từ khi hết thấy mặt trời. Trên thực tế, chỉ trừ thời khắc giữa trưa (đúng ngọ), để quy định giới hạn bữa ăn của người xuất gia, ý niệm thời gian trong ngày được áp dụng khá lơi lỏng. Trong các chùa Nguyên thủy, từ xa xưa cho đến bây giờ, người ta vẫn lấy thời khóa biểu của đức Phật làm mẫu mực. Sáng bắt đầu ngày mới, đức Phật tắm gội, choàng áo và cầm bình bát đi khất thực ; gần trưa về chia bữa ăn với đệ tử ; buổi chiều ở trong tịnh xá thiền định và làm việc.

Giờ quan trọng nhất trong ngày là lúc giữa trưa (ta gọi là ngọ ; văn tự Pali majjhanha), được đánh dấu bằng cách đo ngón tay, bóng ngả về phía hữu một đốt và quay sang phía tả một đốt. Vì lẽ đó mà ngày có ba khắc : buổi sáng, giờ ngọ, và buổi chiều (aruna, majjhanha, sayamha). Đức Phật còn dùng một đơn vị lớn hơn ngày gọi là tuần (sattaha), mà trước đó, trong kinh Vệ Đà không bao giờ nói tới. Sahatta không có nghĩa là tuần lễ bảy ngày như ta quan niệm ngày nay, mà bất cứ số lượng bảy ngày nào góp chung lại với nhau trong lịch trình sinh hoạt tăng già thời nguyên thủy.

Tháng tính làm hai đơn vị : đơn vị một bắt đầu từ ngày trăng tròn, đơn vị hai bắt đầu từ ngày không trăng. Lúc đức Phật còn tại thế, khi cộng đồng Tăng già đã phát triển mạnh trên lưu vực sông Hằng Hà, hai ngày đầu kỳ bán nguyệt là hai buổi lễ lớn của cộng đồng. Tăng già sống trong viện hay đi hoạt động ở ngoài đến hai ngày đó phải tựu họp để đọc bổn Luật Kinh Patimoka (tức là bổn liệt kê 227 điều luật của người xuất gia ; về sau môn phái Đại thừa tăng lên 250 điều luật, môn phái Tây Tạng 253 điều).

Đến bây giờ, trong các chùa ở Thái Lan, Miến Điện, Tích Lan, theo Phật giáo Nguyên thủy thuần túy, luật lệ này vẫn thông dụng.

Trong cộng đồng Tăng già thời nguyên thủy, năm được chia làm bốn mùa. Ba mùa chánh : mùa nắng (ginshal) , mùa mưa (vassa) và mùa gió (hemanta) ; mỗi mùa kéo dài bốn tháng. Cuối mùa mưa lấy một tháng, gọi là tháng Serada làm một mùa tương đương với mùa Thu của ta bây giờ. Tại Ấn Độ, vào mùa serada, "khí trời rất trong sáng nên mặt trời hiện rõ, đừng nhìn lên trời mà hại mắt" (Trường Bộ kinh, Dighanikaya).

Dưới thời đức Phật, cách thức phân chia ba mùa không nhất định, tùy theo hoàn cảnh trong năm, nhưng nói chung, mùa gió lạnh Hemanta đi trước đầu năm, kế theo là mùa nắng gimha, và mùa mưa vassa. Vassa kể như là mùa quan trọng nhất vì tu sĩ "vào hạ" lúc này. Vào hạ là biến cố quan trọng nhất trong năm, trong đời sống người đi tu, mọi chi tiết đều được định rõ trong Luật Kinh Vinaya. Để điều chỉnh thời gian luân chuyển so le giữa mặt trăng và mặt trời, tháng nhuận thường để vào đầu mùa mưa vassa và do chính đức Phật quyết định và công bố (về sau, do hệ thống chỉ đạo của tăng già).

Trong Luật kinh (Pali tạng) cũng ghi rõ là đức Phật đến thành Vesali, nằm trên vĩ tuyến 26 (tương đương ở xứ ta vào vùng trên Cao Bắc Lạng, rất lạnh) sống vào những tuần lễ giá lạnh nhất trong năm hầu thí nghiệm xem người tu sĩ cần bao nhiêu y phục vào mùa lạnh, để phán vào Luật kinh.

Ngoài các đơn vị tháng, mùa, năm, đức Phật cũng đã nói đến các đơn vị thời gian dài hơn như thập niên vassa dasa (mười năm), thế kỷ vassa satam (trăm năm). Vassa satam tượng trưng đời sống của một kiếp người, như dân gian ta thường nói "trăm năm trong cõi người ta", hay "ba vạn sáu nghìn ngày". Sau thế kỷ, nhà Phật dùng một đơn vị gọi là Kapa (Anh : Aeon ; Pháp : eon), chi thiên thiên, vạn vạn niên, một số lượng vĩ đại ngoài sức đếm. Ví dụ một hôm có người đệ tử hỏi đức Phật là Kapa dài bao nhiêu năm, Ngài trả lời (luôn luôn đức Phật trả lời bằng tỉ dụ và so sánh) : "Nếu bây giờ ta có một khối núi đá mỗi bề dài bốn trượng, không chỗ nào sứt mẻ. Và nếu bây giờ cứ mỗi trăm năm có một người cầm tấm vải mềm đến chùi trên chóp khối đá. Ngọn núi kia sẽ tiêu mòn hết trước khi một Kapa chấm dứt". Ý đức Phật nói là Kapa chỉ định một thời gian dài vô tận. - một đoạn khác trong kinh, đức Phật cũng nói là mỗi Kapa có thể tạo ra một đức Phật, hàm ý là phải khổ công tu học lắm mới thành được chánh quả.

Bây giờ ta trở lại tìm hiểu các chi tiết nhỏ của thời gian dùng trong giáo lý đức Phật. Ngày chia ra làm đơn vị nhỏ. Trong Tăng chi bộ kinh (đã dẫn) có đoạn : "Như nước trong nguồn chảy quanh co, lôi kéo tất cả theo giòng, không bao giờ ngừng một lúc (khana), hoặc một khắc (layo) hoặc một giây (muhutto), và đấy cũng là đời sống con người". Thầy Huyền Trang sang Ấn Độ thỉnh kinh hồi thế kỷ thứ 7, đã giải thích rõ ràng ý niệm thời gian nhỏ dùng trong đạo Phật : "Đơn vị thời gian nhỏ nhất (trong kinh) gọi là tõsana (còn viết là Kshana)=sát na ; 120 sát na làm thành một đại sát na (tak shana) ; 60 đại sát na làm thành một la fo (lava) ; 30 lava làm thành một muhurta ; năm muhurta làm thành một kala và sáu kala làm thành một ngày".

Ta mặc nhiên đồng ý là các chi tiết vừa kể trên ngày nay chỉ còn giá trị lịch sử. Ta thử tìm hiểu các điểm thiết thực hơn, như ngày đầu tháng, tháng đầu năm... để ăn Tết !

Tháng bắt đầu ngày nào ? Như trên đã nói, Phật lịch thiên về mặt trăng, và trong hai bán nguyệt (một, bắt đầu từ ngày không trăng ; hai, bắt đầu từ ngày trăng tròn), thường vẫn kể bán nguyệt bắt đầu với đêm trời tối đi trước. Như vậy là tháng bắt đầu với ngày không trăng, tương đương với ngày mồng một Âm lịch của chúng ta vẫn tính thời bây giờ.

Câu hỏi thứ hai là năm bắt đầu với tháng nào ? Ý niệm tháng là một phần cấu tạo của mùa thường được nhắc trong kinh, như "tháng đầu mùa lạnh", "tháng cuối mùa mưa". Cũng có chỗ trong kinh nhắc đến tên tháng như tháng Asahi, tháng Kattika, nhưng không hề chỉ định một tháng đầu năm. Bà Rhys Davids dẫn chứng một đoạn kinh Samannaphala Sutta nói về vua Ajattasatu, đương thời với đức Phật, và giải thích là ngày đó, người ta dùng tháng Savana (giữa tháng 6 qua giữa tháng 7 Dương lịch ngày nay) làm tháng đầu năm. Nhiều cuộc biên khảo mới sau này chứng minh là bà Rhys Davids nhầm. Trong một bổn Luận Kinh Aghidhanapitaka chép vào thế kỷ thứ 13 tại Tích Lan, người ta tìm được bổn danh sách hoàn hảo đủ 12 tháng niên lịch Phật. Năm chia làm 12 tháng, bắt đầu là tháng Citta (giữa tháng 2 qua đến giữa tháng 3), và tháng quen thuộc với chúng ta là tháng Visakha (giữa tháng 3 tới giữa tháng 4). Đại hội Kiết tập Phật giáo thế giới lần thứ sáu họp tại Miến Điện năm 1954 lấy ngày trăng tròn tháng Visakha làm ngày lễ long trọng nhất của đạo Phật, kỷ niệm vào một ngày ba lễ lớn : Thích Ca đản sanh, Thích Ca thành đạo và Thích Ca nhập niết bàn. Ngày nay hầu hết các cộng đồng Phật giáo trên trái đất đều thuận hiệp với quyết định trên.

Như vậy, ta buộc phải nhìn nhận là trong thời kỳ nguyên thủy, đạo Phật chỉ chú trọng vào lề lối tu hành, và không để ý tới những điều trong đời sống như hội hè đình đám. Các tục lệ truyền thống (đối với chúng ta ngày nay) như đi chùa hái lộc, như lễ Phật đêm Giao thừa và ngày Tết, hầu như không có ý nghĩa thích nghi với giáo lý. Có thể như vậy được chăng ?

- trên, tìm hiểu lịch Phật, ta phải sưu tầm kinh điển ; bây giờ muốn trả lời thỏa đáng câu hỏi vừa đặt ra, ta phải tạm gác kinh điển và nhìn vào lịch sử văn hóa. Năm 1939, để kỷ niệm 300 năm thành lập Viện Đại học Harvard, giáo sư Hồ Thích, là người được xem như là lý thuyết gia của cuộc cách mệnh Tam dân Trung Hoa, được mời đến đọc một bài diễn văn gợi ý cho giới trí thức, nhan đề là "Nước Ấn Độ chinh phục Trung Hoa". Ngày đó, vừa sáng chói nền văn minh vật chất Tây phương, và nước Trung Hoa đang bị chìm đắm trong quên lãng, đang bị hiếp đáp đủ bề từ tinh thần đến vật chất. Bác sĩ Hồ Thích là người có tư tưởng hướng về phát triển, đóng khung trong những nguyên tắc tu, tề, trị, bình. Ông phân tích các lý do chậm tiến của người Trung Hoa : đáng lẽ xã hội Trung Hoa phải ngời sáng vì trào lưu phát triển mới đang dựa vào cơ khí kỹ thuật, mà cá tính Trung Hoa chính lại là thiên về hiện thực, thuận tiện cho phát triển. Và ông nêu lên những điểm mâu thuẫn giữa đạo Phật chuộng xuất thế, xa những mối vương lụy với cuộc đời, với thực chất phát triển là đời sống hiện thực. May thay cho xã hội Trung Hoa sau một nghìn năm cực thịnh lúc đạo Phật mới du nhập Trung Hoa, sang đời Tống các tư tưởng và sinh hoạt truyền thống của Trung Hoa lại thắng thế. Người Trung Hoa đã chấp nhận nhiệt thành, nhưng cũng quật cường biến đổi đạo Phật thành một tôn giáo thích hợp với đời sống của người Trung Hoa hơn.

Bốn mươi năm sau, cũng tại một trung tâm Đại học lớn ở Hoa Kỳ, đại học Yale, một nhóm học giả do giáo sư Kenneth Chen dẫn đầu đã trở lại đề tài này với một nhãn quan mới lạ hơn. Thay vì quan niệm như Bác sĩ Hồ Thích là đạo Phật từ Ấn Độ đã chinh phục Trung Hoa ("The Indianization of China by Buddhism"), nhóm tư tưởng gia mới đặt vấn đề sát với sự thật hơn là "Trung Hoa đã biến đổi đạo Phật" ("The Chinese Transformation of Buddhism"). Đạo Phật, như một hạt giống mầu nhiệm, đi vào Trung Hoa là một môi sinh vừa súc tích vừa hãm hại. Súc tích vô cùng, làm nẩy nở đạo của Thích Ca trên một nửa địa cầu và nhân loại ngày đó ; đồng thời cũng hãm hại vì đạo của Thích Ca đã phải thay đổi nhiều trong giáo lý căn bản để tập quán và phát triển tại Trung Hoa và các nước láng giềng Trung Hoa, như Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam...

Bởi lẽ đó mà tại các quốc gia theo Phật giáo Đại thừa của Trung Hoa, nét phân biệt giữa nếp sống xã hội và các sinh hoạt thuần túy tôn giáo bị xóa nhòa, và ngày Tết đồng hóa với một ngày lễ Phật. Tại Trung Hoa và Việt Nam lại còn có một truyền thống đã lâu đời (trước đời Đường, thế kỷ thứ 7) là trong dịp Tết lại làm lễ Phật Thượng nguyên vào ngày Rằm tháng Giêng. Thượng nguyên là một ngày lễ Phật lớn, "lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng", tiếp theo mấy ngày Tết. Ngày trước bên Trung Hoa, lễ này còn gọi là "Hội Hoa đăng", kéo dài ba ngày từ 14 đến 16 tháng giêng. Tại chùa và trong mỗi gia cư đều thắp đèn và dân chúng cầm đèn đi lại suốt đêm. Giáo sư Kenneth Chen, dẫn sách "Đường lục điểm" kể lại là ngày đó, dưới đời Đường, các chùa rất giàu có nên cấp dầu cho mỗi gia cư để làm hội đèn, vui lễ Phật.

Như vậy, nhờ các buổi lễ Phật như ngày Tết Nguyên đán và Hội Hoa đăng mà lễ Phật không còn riêng của những người trong Tăng chúng, những người "đi tu tại gia" mà là của đại chúng. Người ở địa vị cao sang, kẻ bần cùng ; người giàu kẻ khó ; người thuộc quý tộc, kẻ trong Tăng giới và đám dân gian đại chúng, tất cả hòa đồng vào ý niệm đoàn kết và hỗ trợ, chung một lòng tin.

Ngày xưa tại Trung Hoa, lễ lạc được thích nghi phù hợp với nếp sống của từng giai cấp xã hội. Các buổi lễ cúng tế theo đạo Khổng trong miếu đường, ngoài phủ thất rất nhiều nghi vệ và đầy chi tiết phiền toái, đám dân gian không hiểu nổi. Mặt khác, các buổi lễ theo đạo Lão, sau sinh thời của Lão Tử đã biến thành tà thuật, bùa phép chỉ gây thêm sợ hãi cho đám bình dân. Chỉ có lễ Phật trong tinh thần hỷ xả, an vui là thích hợp với nhu cầu hướng thiện, hướng lạc của đại chúng. Vì lẽ đó mà ta hiểu được là Tết Nguyên đán, từ lâu đã được người Việt Nam ta xem như là một ngày lễ có nhiều tính cách Phật giáo.

Hệ số can chi và lục thập hoa giáp

Hệ số can chi:



Hệ số quan trọng nhất trong lịch pháp phương Đông là hệ số 10 (thập can), hệ số 12 thập nhị chi, hệ số 60 tức lục thập hoa giáp, 6 chu kỳ hàng chi kết hợp với 10 chu kỳ hàng can 6x10=60 (lục giáp).



Thập can( tức là 10 thiên can): theo thứ tự:



1 - Giáp


2 - Ất


3 - Bính


4 - Đinh


5 - Mậu

6 - Kỷ


7 - Canh


8 - Tân


9 - Nhâm


10 - Quý



Thập nhị chi (12 địa chi): theo thứ tự:





1 - Tý


2 - Sửu


3 - Dần


4 - Mão


5 - Thìn


6 - Tỵ

7 - Ngọ


8 - Mùi


9 - Thân


10 - Dậu


11 - Tuất


12 - Hợi



Can chi nào là số lẻ là dương, can chi nào là số chẵn là âm. Dương can chỉ kết hợp với dương chi, âm can chỉ kết hợp với âm chi.



Sự kết hợp hàng can với ngũ hành và tứ phương



Giáp


: Dương mộc


Phương Đông

Ất


: Âm mộc


Phương Đông

Bính


: Dương hoả


Phương Nam

Đinh


: Âm Hoả


Phương Nam

Mậu


: Dương Thổ


Trung ương

Kỷ


: Âm thổ


Trung ương

Canh


: Dương Kim


Phương Tây

Tân


: Âm Kim


Phương Tây

Nhâm


: Dương Thuỷ


Phương Bắc

Quý


: Âm Thuỷ


Phương Bắc



Sự kết hợp hàng chi với ngũ hành và tứ phương:



Hợi


: Âm Thuỷ


Phương Bắc




: Dương Thuỷ


Phương Bắc

Dần


: Dương mộc


Phương Đông

Mão


: Âm mộc


Phương Đông

Ngọ


: Dương hoả


Phương Nam

Tỵ


: Âm Hoả


Phương Nam

Thân


: Dương Kim


Phương Tây

Dậu


: Âm Kim


Phương Tây

Sửu


: Âm thổ


Phân bố đều bốn phương

Thìn


: Dương Thổ


Phân bố đều bốn phương

Mùi


: Âm thổ


Phân bố đều bốn phương

Tuất


: Dương Thổ


Phân bố đều bốn phương



Can chi tương hình, tương xung, tương hại, tương hoá, tương hợp;



Tương hình(xấu) (chỉ tính hàng chi):



Trong 12 chi có 8 chi nằm trong 3 loại chống đối nhau:



1.Tý và Mão Chống nhau

2. Dần, Tỵ và Thân Chống nhau

3. Sửu, Mùi và Tuất Chống nhau



Và hai loại tự hình: Thìn chống thìn, Ngọ chống Ngọ (chỉ có Dậu và Hợi là không chống ai)



Tương xung (xấu) hàng can có 4 cặp tương xung (gọi là tứ xung).



Giáp (Phương Đông) xung với Canh (Phương Tây) đều Dương



Ất (Phương Đông) xung với Tân (Phương Tây) đều Âm.

Bính (Phương Nam) xung với Nhâm(Phương Bắc) đều Dương.

Đinh (Phương Nam) xung với Quý (Phương Bắc) đều Âm.



Hàng chi có 6 cặp tương xung (gọi là lục xung):



1 - Tý xung


7 - Ngọ (đều Dương và Thuỷ Hoả xung khắc)

2 - Sửu xung


8 - Mùi (đều Âm)

3 - Dần xung


9 - Thân (đều Dương và Kim Mộc xung khắc)

4 - Mão xung


10 - Dậu (đều Âm và Kim mộc xung khắc)

5 - Thìn xung


11 -Tuất (đều Dương)

6 - Tỵ xung


12 - Hợi (đều Âm và Thuỷ Hoả xung khắc)



* Phương Đông Tây Nam Bắc đối nhau.
* Khí tiết nóng lạnh khác nhau.



o Tương hại (xấu) có 6 cặp hàng chi hại nhau:



1. Tý - Mùi
2. Sửu – Ngọ
3. Dần - Tỵ

4. Mão - Thìn
5. Thân - Hợi
6. Dậu - Tuất



o Tương hoá (tốt) theo hàng can có 5 cặp tương hoá (đối xứng nhau).



1. Giáp-Kỷ hoá Thổ (âm dương điều hoà).

2. Ất-Canh hoá Kim (âm dương điều hoà).

3. Bính-Tân hoá Thuỷ (âm dương điều hoà).

4. Đinh-Nhâm hoá Mộc (âm dương điều hoà).

5. Mậu-Quý hoá Hoả (âm dương điều hoà).



Tuy phương đối nhau nhưng một âm một dương, âm dương điều hoà trở thành tương hoá, hoá để hợp.



o Tương hoá (tốt): Trong 12 chi có hai loại: lục hợp và tam hợp.



Lục hợp:



Tý và Sửu hợp Thổ.

Dần và Hợi hợp Mộc.

Mão và Tuất hợp Hoả.

Thìn và Dậu hợp Kim.

Thân và Tỵ hợp Thuỷ.

Ngọ và Mùi : thái dương hợp thái âm.



Thuyết “ Tam mệnh thông hội” giải thích rằng: hễ hoà hợp, âm dương tương hoà, thì khí âm khí dương hợp nhau. Tý, Dần, Thìn, Ngọ, Thân, Tuất là 6 dương chi gặp Sửu, Mão, Tỵ, Mùi, Dậu, Hợi 6 âm chi. Một âm một dương hoà hợp với nhau.



Tam hợp có 4 nhóm : cách 3



1. Thân Tý, Thìn hợp Thuỷ.

2. Hợi, mão, Mùi hợp mộc.

3. Dần, Ngọ, Tuất hợp Hoả.

4. Tỵ, Dậu, Sửu hợp Kim.

Thuyết âm dương ngũ hành

Thuyết âm dương ngũ hành


Âm dương:


Âm dương không phải là vật chất cụ thể, không gian cụ thể mà thuộc tính của mọi hiên tượng mọi sự vật, trong toàn thể vũ trụ cũng như trong từng tế bào, từng chi tiết.


Âm dương là hai mặt đối lập: Mâu thuẫn - Thống nhất, chuyển hoá lẫn nhau, dựa vào nhau mà tồn tại, cùng triệt tiêu thay thế nhau. Trong dương có mầm mống của âm, ngược lại trong âm có mầm mống của dương. Trong tất cả các yếu tố không gian, thời gian, vật chất ý thức đều có âm dương. Âm dương không những thể hiện trong thế giới hữu hình kể cả vi mô và vĩ mô mà còn thể hiện cả trong thế giới vô hình, hay gọi là thế giới tâm linh như tư duy, cảm giác, tâm hồn …từ hiện tượng đến bản thể..


Ngũ hành:


Có 5 hành: Hoả (lửa), Thổ (Đất), Kim (Kim loại), Thuỷ (nước, chất lỏng). Mộc (cây cỏ). Theo quan niệm cổ xưa thì mọi vật chất trong vũ trụ đầu tiên do 5 hành đó tạo nên.


Ngũ hành có quy luật sinh, khắc chế hoá lẫn nhau. Để bạn đọc dễ hiểu, dễ nhớ chúng tôi xin trình bày luật tương sinh, tương khắc dưới dạng mấy câu ca dao sau:


Ngũ hành sinh:

Ngũ hành sinh thuộc lẽ thiên nhiên:

Nhờ nước cây xanh mới mọc lên (Thuỷ sinh mộc- màu xanh)

Cây cỏ làm mồi nhen lửa đỏ (Mộc sinh hoả- màu đỏ)

Tro tàn tích lại đất vàng thêm (Hoả sinh thổ: Màu vàng)

Lòng đất tạo nên kim loại trắng ( Thổ sinh kim: màu trắng)

Kim loại vào lò chảy nước đen (Kim sinh thuỷ- màu đen)


Ngũ hành khắc:


Ngũ hành tương khắc (lẽ xưa nay)

Rễ cỏ đâm xuyên lớp đất dày ( Mộc khắc thổ: Tụ thắng tán)

Đất đắp đê cao ngăn lũ nước (Thổ khắc Thuỷ: Thực thắng hư)

Nước dội nhanh nhiều tắt lửa ngay (Thuỷ khắc hoả: chúng thắng quả, nhiều thắng ít)

Lửa lò nung chảy đồng, chì, thép (Hoả khắc kim: Tinh thắng kiên)

Thép cứng rèn dao chặt cỏ cây ( Kim khắc mộc: cương thắng nhu).


Ngũ hành chế hoá:


Chế hoá là ức chế và sinh hoá phối hợp nhau. Chế hoá gắn liền cả tương sinh và tương khắc. Luật tạo hoá là: mọi vật có sinh phải có khắc, có khắc sinh, mới vận hành liên tục, tương phản tương thành với nhau.


Mộc khắc Thổ thì con của Thổ là Kim lại khắc Mộc

Hoả khắc Kim thì con của Kim là Thuỷ lại khắc Hoả

Thổ khắc Thuỷ thì con của Thuỷ là Mộc lại khắc Thổ

Kim khắc Mộc thì con của mộc là Hoả lại khắc Kim

Thuỷ khắc Hoả thì con của Hoả là Thổ lại khắc Thuỷ


Nếu có hiên tượng sinh khắc thái quá không đủ, mất sự cân bằng, thì sẽ xảy ra biến hoá khác thường. luật chế hoá duy trì sự cân bằng: bản thân cái bị khắc cũng chứa đựng nhân tố (tức là con nó) để chống lại cái khắc nó.

Tính chất các sao và thuyết “thiên nhân tương ứng”

Ngày giờ nào tốt hay xấu? Tốt xấu đối với việc gì? Tuỳ thuộc vào tính chất của các ngôi sao ngự trị trái đất trong ngày giờ đó, những sao có sẵn trong thiên văn học cổ đại, nhưng cũng có nhiều ngôi sao ước lệ, tuỳ theo tính chất và quy luật vận hành mà đặt tên.


Trong thuật chiêm tinh có tên chung gọi là “Thần sát” (Sát đồng nghĩa với tinh=Sao). Theo chu kỳ vận hành, Thần sát có 3 loại:

*
Niên Thần Sát (Theo chu kỳ năm: năm nào chiếu vào ngày nào).
*
Nguyệt thần sát ( Tháng nào chiếu vào ngày nào trong tháng).
*
Nhật thần sát (Ngày nào cũng có nhưng mỗi ngày chiếu vào một giờ).

Người xưa hình dung mỗi ngôi sao trên một bầu trời do một vị thần cai quản dưới sự điều khiển chung của ông trời.


Về tính chất mỗi sao một khác đối với từng việc và có mức độ khác nhau, đại thể chia ra làm 2 loại: Cát tinh (sao tốt) và hung tinh (sao xấu). Trong thiên văn học cổ đại không có sao tốt, sao xấu, vậy căn cứ vào đâu thuật chiêm tinh quy định sao tốt hay sao xấu?


Cơ sở triết học là kinh dịch, là thuyết “Thiên nhân tương ứng” (mối quan hệ giữa Trời và Đất và con người, giữa con người và vạn vật trong vũ trụ ), là luật âm dương ngũ hành xung hợp, sinh khắc, chế hoá lẫn nhau, thêm vào đó là tín niệm tôn giáo: Mọi hoạ phúc trên đời đều do một lực siêu nhiên có uy quyền sắp xếp.Nhưng thuật chiêm tinh không hoàn toàn lệ thuộc vào số phận mà luôn phát huy chủ thể của con người. Mọi việc của mình, vì mình phải luôn do mình chủ động gánh vác, chịu trách nhiệm, tìm đến việc chọn ngày giờ để nắm đúng thời cơ, hợp ý trời, thuận lòng người ( Theo thuyết “Thiên nhân tương ứng”).

Phải chăng tục chọn ngày chọn giờ chỉ tồn tại ở nước ta và các nước nông nghiệp lạc hậu ?

Việt
Nam, Trung Quốc thời xưa chỉ sống về nông nghiệp. Ngày nay nước ta vẫn chưa thoát khỏi nền nông nghiệp lạc hậu. Cái ăn, cái mặc, nơi ở thuộc bản năng sinh sống của con người. Vì vậy, lịch pháp và thiên văn học cổ đại cảu Trung Quốc và Phương Đông nói chung rất chú trọng đến thời tiết. Đặc biệt lịch tiết khí, lịch mặt trăng là loại lịch độc đáo chủ yếu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Thuật chiêm tinh cũng vậy. Xin chỉ dẫn ra đây một loạt công việc dựa vào Thuật chiêm tinh để tìm ra ngày tháng tốt lành.

Săn bắn: Ngày vào rừng, ngày tế Sơn tinh, Bạch hổ, ngày phạt mộc, ( ngày đốn cây làm chòi, làm lán, ngày lui rời sơn trại, mùa thu hái, mùa đốn củi, săn bắn...)

Đánh bắt cá: Ngày hành thuyền thả lưới, ngày tế thần hà bá.

Trồng trọt: Ngày ươm giống, ngày gieo mạ, ngày cấy, ngày gặt, ngày lế thần nông, ngày cúng cơm mới, ngày nhập kho, ngày nạp lương...

Chăn nuôi: Ngày làm chuồng, ngày mua giống lợn, bò dê ngựa chó méo, ngày lót ổ cho gà đẻ, ngày bắt đầu nuôi tằm, ngày kéo tơ, ngày lấy mật ong, ngày san tổ ong....

Tất nhiên thời nay người ta không chọn tất cả những ngày nói trên nữa, liệt kê ra để chứng minh: sản xuất nông nghiệp rất gắn bó với Thuật chọn ngày.

Các nước Công nghiệp tiên tiến, cũng có tục chọn ngày: 12 chòm sao trên đường Hoàng đạo theo thiên văn học phương Tây, đối chiếu với 12 trực và nhị thập bát tú của phương Đông có những nét tương tự, cách đặt tên các sao theo tên các thiên thần tuy không giống phương Đông nhưng cũng là Thần sát.

Qua bài “ trong con số có điều gì thần bí” ta thấy số 13 là con số kiêng kỵ của nhiều nước phương Tây.
Theo Lưu- Đạo –Siêu: nhân vật sùng tín thuật chọn ngày tiêu biểu nhất là tổng thống Mỹ Rigân. Lịch công tác cả năm của Rigan dựa vào ngày do một nhà nữ chiêm tinh vạch sẵn: Ngày tốt; mầu lục, ngày trung bình: màu vàng, ngày xấu: màu đỏ. Căn cứ vào đó mà chánh văn phòng Tổng thống đặt lịch công tác: ngày nào đi nước ngoài, ngày nào lên máy bay, ngày nào ký các hiệp ước, ngày nào tiếp khách bình thường, ngày nào phải hoàn toàn nghỉ việc.

Thuật chiêm tinh trung quốc

Nước ta cũng như các nước Phương Đông, chịu ảnh hưởng của nền văn hoá Trung Quốc, vì vậy trước khi nghiên cứu lịch Vạn niên của ta, không thể bỏ qua lịch vạn niên Trung Quốc.


Trên ba nghìn ươm giống nảy mầm:


Sở dĩ gọi là thuật chiêm tinh (thuật đoán sao), vì các thuật sĩ dựa vào thiên văn học cổ đại, nhìn sao trên trời mà đoán việc đời. Việc đời có tốt, có xấu, có rủi, có may, muốn biết trước phải dựa vào Thuật số. Cơ sở của thuật số là thuyết âm dương ngũ hành kết hợp với dịch lý trong Kinh dịch và kết hợp khéo léo với các yếu tố tự nhiên khác quy định trong lịch pháp thiên văn cổ đại. Vì vậy, các nhà chiêm tinh cũng được gọi là các nhà “âm – dương”.


Theo Lưu-Đạo-Siêu (Giáo sư sử học Trung Quốc)Thuật số đã được hình thành ở Trung Quốc khoảng 3000 năm trước Công Nguyên. Đến thời nhà Hán (206TCN-220)đã hình thành một tầng lớp thuật sĩ chuyên nghiệp với trên 20 thuyết khác nhau.


Chuyện Hán Vũ Đế với các nhà chiêm tinh


“Sử ký- Nhật giả liệt truyện” có ghi lại câu chuyện sau đây:

Hán Vũ Đế (năm 23-56 sau CN) triệu các nhà chiêm tinh hỏi ngày, tháng x, cưới vợ được hay không?Người theo thuyết ngũ hành bảo được, người theo thuyết “Kham dư” bảo không được, người theo thuyết “Kiến trừ” bảo xấu, người theo thuyết “Tùng thời” bảo rất xấu, người theo thuyết “Lịch gia” bảo hơi xấu, người theo thuyết”Thiên thân” bảo tốt vừa, người theo thuyết “thái nhất” bảo đại cát. Tranh cãi nhau hồi lâu, đỏ mặt tía tai không ai chịu ai. Cuối cùng Hán Vũ Đế phán: Mọi điều nên hay kiêng, phải lấy thuyết “Ngũ hành” là chính, kết thúc buổi tranh luận. Kế từ đó thuyết ngũ hành được phát triển.


Lời bình của Tân Việt:


Qua câu chuyện trên ta thấy hai ngàn năm về trước đã có nhiều thuyết như vậy, chỉ mỗi vấn đề đơn giản, mà mỗi người trả lời một phách huống gì qua mỗi thời, ta lại có những thuyết mới trồng lên thuyết cũ, cho nên các thầy thuật số bài bác nhau, “Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”.

Tiền thân của lịch vạn niên Trung Quốc:


Lịch pháp định do vua ban đã có từ thời xưa khoảng 3000 năm trước công nguyên ( không có thời điểm xác định vì không còn có cứ liệu lịch sử).


Ta chỉ biết cuốn hoàng lịch xa xưa nhất đã được phát hiện là cuốn Hoàng lịch năm Bính Tuất năm thứ tư triều Đồng Quang nhà Hậu đường (926). trong lich thư đó đã ghi đầy dủ theo các mục lịch pháp định thông thường, ngoài ra còn ghi ngày nào thuộc trực gì và các việc nên làm, nên tránh từng ngày (theo Lưu đạo Siêu).


Từ thời nhà Hán đến nhà Thanh, trên thị trường nảy nở đến hàng trăm thuật thuyết. Quay vòng 60 năm Hoa giáp và 24 phương vị đã có la liệt hàng vạn tên hung tinh, cát tinh.


Vua khang Hy nhà Thanh (1662-1722) xét thấy tình trạng chọn ngày tốt xấu quá hỗn loạn, bèn triệu tập các học sĩ có tiếng trong nước thời đó, thống nhất biện luận về các loại thần sát ( hung tinh, cát tinh) soạn thành lịch thư. Từ đó giao cho một số học giả dùng làm cứ liệu soạn lịch hàng năm, còn có các loại tạp thuật nhảm nhí bị bãi bỏ. Vua Khang Hy lệnh cho nhóm học sĩ Lý- Quang- Địa biên soạn cuốn tinh lịch khảo nguyên.


Tiếp đến vua Càn Long nhà Thanh (1736-1795), lệnh cho nhóm học sĩ Doãn- Lộc, Mai- Cốc-Thành, Hà- Quốc- Tông... biên soạn cuốn Hiệp kỷ biện phương thư, nhằm bổ sung cho Tinh lịch khảo nguyên được hoàn hảo hơn. Hiệp kỷ biện phương thư phê phán những tà thuyết lưu truyền trong xã hội đương thời, đồng thời đính chính lại những sai sót trong Lịch thư cảu Toà Khâm Thiên giám.


Đến triều đạo Quang nhà Thanh (1821-1849) ( ngang với triều Minh Mạng, Thiệu Trị nhà Nguyễn nước ta) có cuốn Trạch cát hội yếu do Diêu- Thừa – Dư soạn, toàn thư gồm 4 quyển, nội dung xúc tích đầy đủ, bao hàm được những phần cơ bản của Hiệp kỷ biện phương thư.


Có thể nói 3 quyển- Tinh lịch khảo nguyên, Hiệp kỷ biện phương thư và Trạch cát hội yếu nói trên là tiền thân của lịch Vạn niên Trung Quốc.


Lịch vạn niên hình thành:

Hiệp kỷ biện phương thư là cuốn Hoàng lịch thông thư hoàn hảo nhất, nhưng là một công trình quá đồ sộ, toàn thư gồm 36 tạp, chỉ có thể dùng làm cơ sở để toà Khâm Thiên giám biên soạn lịch hàng năm. Thời xưa phương tiện thông tin đại chúng còn quá thô sơ, điều kiện ấn loát còn nhiều khó khăn, Hoànglịch ban hành với số lượng rất hạn chế, đến tay quần chúng nhân dân rất chậm, nhiều dịa phương còn phải khắc in lại, nên lịch hàng năm dễ lỗi thời, chỉ dùng được một thời gian ngẵn hoạc quá hạn phải bỏ đi. Đó là những nguyên cớ hình thành lịch vạn niên ( lịch dùng cho nhiều năm). Lịch vạn niên phải súc tích , cô đọng và thông dụng. ở trung quốc lịch Vạn niên chỉ mới ra đời khoảng triều Đạo Quang, Quang –Tự nhà Thanh (thế kỷ 19).


Giới thiệu Hiệp kỷ biện phương thư Hoàng lich triều càn long nhà Thanh(1736-1795)

Tác giả: Doãn- Lộc, Mai- Cốc-Thành, Hà- Quốc- Tông, biên soạn theo lệnh chỉ của vua Càn – Long


Toàn thư có 36 quyển:


Quyển 1 và 2 gọi là Bản nguyên: Nêu những kiến thức cơ bản về cách làm lịch gồm Hà đồ, Lạc thư, Tiên thiên bát quái của Phục Hy, hậu thiên bát quái của Chu Văn Vương, học thuyết âm dương ngũ hành, can chi, thập nhị trực, 28 sao, 24 phương vị, 24 tiết khí và căn cứ lý luận của thuật chọn ngày giờ.


Quyển 3 đến quyển 8 gọi là Nghĩa lệ: Giới thiệu tên các sao, tính chất nguồn gốc, cương vị và quy luật vận hành của các sao gộp thành 4 loại thần sát: sao vận hành theo năm, tháng, ngày, giờ


Quyển 9 gọi là lập thành: Sắp xếp các loại thần sát nói trên thành từng đồ biểu.


Quyển 10 gọi là Dụng sự: sắp xếp các sao nói trên theo việc, có đến 67 việc của Vua và Triều đình dùng, 37 việc của nhân dân dùng.


Quyển 11 gọi là Nghi kỵ: (nên chọn và nên tránh); nêu tên các sao tốt xấu đối với từng việc. Quyển này có phân biệt mức độ tốt xấu để tuỳ việc mà chọn.


Quyển 12 và 13 gọi là Công quỹ: Giới thiệu đường đi của mặt trời qua các cung Hoàng đạo, Hắc đạo, phân định thời khắc ngày đêm, phương vị mặt trời mọc, mặt trời lặn, thời khắc giao nhau giữa 24 tiết.


Quyển 14-19 gọi là Niên biểu: Xếp theo lục thập hoa giáp, cứ 10 năm là một giáp (1- giáp tý, 2- Giáp tuất, 3- Giáp thân, 4- Giáp ngọ, 5- Giáp thìn, 6- Giáp dần) mỗi giáp một quyển.


Quyển 20-31gọi là Nguyệt biểu: Mỗi tháng một quyển (chú ý: Tính tháng 60 ngày Giáp tý đến Quý hợi, không phải 30 ngày hay 29 ngày như tháng âm lịch bình thường).


Quyển 32 gọi là nhật biểu: Căn cứ theo 60 ngày hàng can,hàng chi mà tính sao tốt sao xấu của 12 thì ( Tý đến Hợi: mỗi thì 2 tiếng đồng hồ).


Từ quyển 33-36: Hướng dẫn cách sử dụng và phê phán bác bỏ những tạp thuyết khác. Trong đó quyển 35 gọi là phụ lục: nêu lên một số tạp thuật chẳng có nghĩa lý gì, nhưng thế tục còn lưu truyền. Đồng thời nêu lên một số tạp thuật khác tự hình thành những loại tên thần sát khác hẳn với thần sát truyền thống. thí dụ : “Nam, nữ cửu cung”, “Nhân thần sở tại”, “ Thái bạch du phương từng ngày”, nào là bách kỵ, ngày cúng ông táo, ngày gội đầu, ngày “ngũ tinh tu trạch” (năm họ sửa nhà). Thuyết “Chu đường giá thú”...


Quyển 36 gọi là Biện nguỵ: Tác giả vận dụng luật Vượng, tướng, hưu, từ, tử,luật xung khắc chế hoá âm dương, ngũ hành, can chi mà nêu lên những luận điểm phê phán bác bỏ những hung tinh, cát tinh, không phù hợp với luận thuyết trên. Trong quyển này có nhiều vấn đề đã bị đưa ra phê phán công kích như: “ Tháng đại lợi cho nam nữ hợp hôn”, “ 24 thần sát tuần hành trên núi”, “Dịch mã lâm quan”, “ Hoả huyết đao chiêm”, “ Nghịch huyết nhẫn” , “ ám đao sát”, “Ngày thần tại, Ngày Phục đoan, Ngày bất tường, Ngày băng tiêu”...

Lịch sử chọn ngày giờ

Nước ta ở cạnh Trung Quốc, lại trải qua hàng nghìn năm Bắc thuộc. Trung Quốc là một trong những trung tâm văn hoá cổ đại của thế giới, cố nhiên thuuật chiêm tinh Trung Quốc qua các triều đại phong kiến lần lượt lan truyền sang ta và các nước phương Đông nói chung.


Một câu hỏi được đặt ra: Vậy trước thời bắc thuộc, dân tộc ta có thuật chọn ngày, chọn giờ chưa?


“...Nhân dân Việt Thường đã biết xét nghiệm sự vật theo hiện tượng thiên nhiên mà làm lịch để áp dụng vào nông nghiệp khá sớm. Sách thông chí của Trịnh Tiều TQ chép rằng: Đời Đào Đường (Nghiêu) năm 2253 trước công nguyên, phương Nam có họ Việt Thường cử sứ bộ, qua hai lần phiên dịch sang chầu, dâng con rùa thấn có lẽ sống một nghìn năm, mình dài hơn ba thước, trên lưng có văn khoa đẩu, ghi việc khi trời đất mở mang, Vua Nghiêu sao chép lấy, gọi là “Quy lịch” (tức lịch rùa). Vậy đây chưa rõ khoa văn đẩu 9 chữ hình con nòng nọc) trên lưng con rùa là văn sẵn trên mai nó, mà các nhà làm lịch nước Việt- thường nghiên cứu theo sự tiến triển của nó hàng nghìn năm để rút ra quy luật về sự tuần hoàn của thời tiết, hay đó là một thứ ký hiệu ta gọi là chữ Khoa- đẩu mà các nhà làm lịch nước ta vạch lên mai rùa.


Dù sao “Quy lịch” lúc đó là phát hiện riêng của các nhà thiên văn nước Việt Thường. Các nhà thiên văn Trung Quốc cũng làm ra lịch của họ nhưng người Việt Thường không theo lịch của Trung Quốc. Mãi đến đời nhà Hán, dưới triệu Văn Vương ( con trai của Trọng Thuỷ, cháu của Triệu Đà), người nước ta vẫn dùng lịch truyền thống của mình. Khi làm lịch, tổ tiên ta đã biết dựa vào nhứng mốc tiêu chuẩn của thời gian theo chu kỳ của mặt trời, mặt trăng. Tín hiệu còn thể hiện qua hoa văn trống đồng Ngọc Lũ. Thí dụ: Trung Tâm mặt trống là hình ảnh mặt trời, vòng trong là hạ chí, vòng giữa là vòng xuân phân, thu phân vòng ngoài là Đông chí...”.


(Trích “Vài nét về Văn hóa thời Hùng Vương” trong bài của GS. Bùi Văn Nguyên đăng trong tạp chí Văn học số ra tháng 9,10/1973)


Như vậy từ lich sử xa xưa, ta đã có lịch và qua đó suy luận ra ta cũng đã có thuật chọn ngày. Kể cả khi tiếp thu thuật chiêm tinh trung quốc, ta cũng không tiếp thu toàn bộ, nhất là trong dân gian các tục kiêng cữ có nhiều chỗ khác nhau.


Ở nước ta hồi đầu thế kỷ 20, nhất là trong phong trào “Duy Tân”, nhiều nhà tri thức tân tiến đã lên tiếng công kích các thói hư tật xấu, đã loại bỏ được nhiều hủ tục lỗi thời, trong đó tục chọn ngày cũng đã giảm nhẹ và có phần cải tiến, không nhất mọi việc đều chọn ngày, chọn hướng như thời xưa.


Sau cách mạng tháng 8-1945, tiếp đến 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Hiệp kỷ lịch ban hành dưới triều nguyễn mất dần, số người biết chữ Hán thưa thớt dần, trước cao trào diệt thù cứu nước, chẳng mấy ai quan tâm đến việc chọn ngày, chọn giờ: nhận lệnh thì chiến đấu, công tác; ban ngày máy bay địch bắn phá thì hoạt động ban đêm, nhà dột thì lợp lại trai gái yêu nhau, hai gia đình bằng lòng, thấy ngày nào thuận tiện, thì hẹn nhau cưới ngày ấy, cưới hỏi muốn đông người dự thì chọn ngày chủ nhật, muốn biết ngày nắng, ngày mưa thì nghe dự báo thời tiết, chết thì chôn không để quá 24 giờ. Mọi việc như xuất hành, tu tạo, hôn nhân, tang tế kể gì ngày giờ Hoàng đạo, Hắc đạo, trùng phục, Trùng tang, trực khai, trực bế. vả lại trong không khí mọi người bận rộn vật lộn với cuốc sống hàng ngày, tranh chấp giữa cái sống, cái chết, cái đói, cái no, không còn điều kiện để chọn ngày tốt, tránh giờ xấu, nghỉ phép được ít ngày, cố lo xong công việc để kịp trả phép, thôi thì “vô sư, ô sách, quỷ thần bất trách”.


Tuy rằng không mở sách, không mời thầy, nhưng tục chọn ngày chọn giờ vẫn âm ỉ lan truyền trong dân gian. Mặc dầu quần chúng nhân dân mấy ai biết: ngày nào là ngày “Thiên ân”, ngày nào là ngày “sát chủ”, nhưng những câu nói cửa miệng vẫn có thế dùng làm cơ sở lý luận chọn ngày chọn giờ. Thí dụ: Tâm lý chung thích chọn ngày chẵn, tránh ngày lẻ, tránh tam nương, nguyệt kỵ, tránh ngày sóc ( mồng 1), ngày nguyệt tận (cuối tháng)...

*
Mồng năm, mười bốn, hai ba

Đi chơi còn nhỡ nữa là đi buôn

*
Một, ba, sáu, tám tuổi Kim lâu

Cưới vợ làm nhà chẳng được đâu ( lấy tuổi mụ của người chủ sự, trừ bội số của số 9, số dư cuối cùng là 1, 3,6 ,8 tức là tuổi Kim lâu)

*
Dù ai buôn bán trăm nghề

Gặp ngày con nước cũng về tay không.

*
Làm ruộng tháng năm, trông trưng rằm tháng 8.
*
Cưới vợ xem tuổi đàn bà

Làm nhà xem tuổi đàn ông.

*
Kính thưa hai họ, hôm nay ngày lành tháng tốt(!)

Mừng cho hai cháu đẹp duyên...

*
Chớ đi ngày bảy, chớ về ngày ba...
*
Ngày đoan dương (5 tháng 5) được nhân dân ta xem như ngày đẹp nhất cả năm, vì thế có tục giết sâu bọ ( người lớn thì uống rượu nếp, đeo chỉ ngũ sắc, xâu tai cho con gái đến tuổi dậy thì, tục hái thuốc vào giờ ngọ:100 loài cỏ quanh vườn gọi là bách dược để chữa các bệnh trong năm,
*
Mồng 8 tháng 4 (tức ngày Phật đản cũ) là ngày cá chép vượt suối Vũ môn hoá rồng, lên đường đi học,đi thi vào ngày đó dễ đỗ đạt.
*
Những ngày đầu năm, đầu tháng (tức ngày sóc) phải kiêng cự nhiều điều, tránh tranh chấp cãi cọ, tránh va chạm đổ vỡ, tránh xuất tiền, xuất kho, sợ dông cho cả năm.
*
Ổ gà mới nở, muốn gà con dễ nuôi, phải chọn giờ con nước: khi nào nước thuỷ triều bắt đầu xuống, mới hạ ổ gà xuống.

Trên đây toàn là những câu truyền miệng trong dân gian nhưng khá phổ biến.

Sau khi hoà bình lập lại nhất là trong những năm gần đây, tập quán chọn ngày, chọn giờ lại rộ lên. Ngoài những tư liệu thời xưa còn rải rác lưu truyền ở các địa phương, còn nhiều sách vở từ Thái Lan, từ Đài Loan, Hồng Kông và các nước Đông Nam á khác tràn vào. thầy cũ cộng thêm thầy mới, tự nhiên hình thành tầng lớp thuật sĩ chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp đủ các dạng.